Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông VPBank 2024.

Đại hội đồng cổ đông VPBank vừa được tổ chức sáng nay tại Hà Nội đã nhất trí thông qua tờ trình kế hoạch kinh doanh 2024, chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và bầu bổ sung hai thành viên vào Hội đồng Quản trị.

Thông qua kế hoạch kinh doanh 2024, bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT

Cụ thể, các cổ đông đã nhất trí với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng.

Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, công ty chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và công ty bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận. Công ty tài chính tiêu dùng FE CREDIT cũng được kỳ vọng có sự trở lại mạnh mẽ sau 2 năm liền thua lỗ, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm 2024.

Đại hội cũng đã thông qua việc sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Theo đó, trong quý II hoặc quý III năm nay, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông. Mỗi một cổ phiếu cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng.

Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai.

Tại đại hội, các cổ đông cũng đã bỏ phiếu tán thành việc bổ sung thêm hai thành viên mới vào Hội đồng Quản trị, là ông Takeshi Kimoto và bà Phạm Thị Nhung.

Hai thành viên mới vào Hội đồng Quản trị, là ông Takeshi Kimoto và bà Phạm Thị Nhung.

Ông Takeshi Kimoto có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Ngân hàng SMBC, một trong những ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản. Trước khi được bầu vào Hội đồng Quản trị VPBank, ông giữ chức vụ Trưởng phòng Phòng Phát triển thị trường châu Á của SMBC (Singapore) và SMBC (Nhật Bản). Đồng thời, ông cũng là Thành viên Ban Giám sát, Ngân hàng PT Bank BTPN Tbk tại Indonesia, một công ty con của SMBC.

Bà Phạm Thị Nhung đã có nhiều năm gắn bó và đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại VPBank. Hiện bà đang là Phó Tổng Giám đốc Thường trực kiêm Giám đốc Khối Quản lý đối tác và Quan hệ đối ngoại tại ngân hàng.

Như vậy, Hội đồng Quản trị VPBank sẽ có 7 thành viên, gồm ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị; ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch; ông Lô Bằng Giang – Phó Chủ tịch. Các thành viên bao gồm ông Nguyễn Đức Vinh (kiêm Tổng Giám đốc), bà Phạm Thị Nhung (kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực) và ông Takeshi Kimoto đại diện cho cổ đông chiến lược SMBC. Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập là ông Nguyễn Văn Phúc.

Việc bổ sung thêm các thành viên mới vào Hội đồng Quản trị là bước đi giúp ngân hàng VPBank nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, xây dựng và đưa ra được những chiến lược kinh doanh phù hợp trong từng thời kỳ nhằm đạt được những mục tiêu tham vọng đã đề ra. Với sự có mặt của một thành viên Hội đồng Quản trị do cổ đông chiến lược SMBC đề cử, những kinh nghiệm, sự hiểu biết của một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới như SMBC cũng sẽ được chia sẻ với VPBank hữu hiệu hơn.

Trước đó, cuối tháng 10/2023, VPBank đã công bố hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược SMBC. Thương vụ phát hành cổ phần đã mang về cho VPBank gần 36 nghìn tỷ đồng, gia tăng đáng kể sức mạnh tài chính của ngân hàng. SMBC cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ VPBank trong các hoạt động kinh doanh, thông qua kinh nghiệm, bí quyết và mạng lưới khách hàng của mình.

Lý do VPBank tham gia nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, chia sẻ vai trò của SMBC

Bên cạnh việc thông qua các nội dung quan trọng, một số vấn đề cổ đông quan tâm cũng đã được ban lãnh đạo VPBank chia sẻ, giải đáp cụ thể tại đại hội. Trong đó, việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng là vấn đề "nóng" nhận được sự quan tâm của các cổ đông.

Ban lãnh đạo VPBank giải đáp câu hỏi của cổ đông tại đại hội.

Về vấn đề này, Chủ tịch VPBank - ông Ngô Chí Dũng khẳng định, đó là bởi "VPBank hơi đặc biệt", các cơ chế và chính sách khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng phù hợp và hấp dẫn với VPBank.

Ông Dũng phân tích: Về mặt năng lực tài chính và năng lực quản trị, không phải ngân hàng nào cũng có thể tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng. Hiện các ngân hàng 0 đồng bị chuyển giao bắt buộc đều bị lỗ lũy kế rất lớn và đang tiếp tục lỗ. Do đó, xét đơn thuần ở góc độ tài chính đơn thuần thì hầu hết các ngân hàng không thiết tha gì với việc tham gia hỗ trợ ngân hàng 0 đồng.

Tuy nhiên, trường hợp của VPBank hơi "đặc biệt" ở điểm với sự tham gia của SMBC, VPBank có nền tảng vốn lớn và trong chiến lược của VPBank, tăng trưởng quy mô rất quan trọng. Với việc tham gia vào tái cơ cấu, góc độ tài chính, VPBank không được lợi gì nhưng VPBank nhưng sẽ có được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Bên cạnh đó, hiện tại nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn tham gia vào VPBank. Khi tham gia tái cơ cấu, VPBank sẽ được mở room nước ngoài. Ông Dũng cho hay, ông không loại trừ việc nhà đầu tư nước ngoài muốn nâng room sở hữu tại VPBank và room cao hơn 30% là điều kiện quan trọng cùng với tăng trưởng tín dụng cao, giúp VPBank tiếp tục nâng quy mô của ngân hàng.

"Nếu tham gia tái cơ cấu giúp cho hệ thống ngân hàng Việt Nam tốt hơn, mà chúng ta lại có năng lực để làm thì tại sao chúng ta lại không đóng góp?", ông Dũng nhấn mạnh thêm.

Liên quan đến sự hỗ trợ từ SMBC, Chủ tịch Ngô Chí Dũng thông tin: SMBC sẽ hỗ trợ cho VPBank nâng cao năng lực quản trị rủi ro, nâng cao quản trị tuân thủ - nền tảng để VPBank nâng dần các chỉ số, thông lệ quốc tế. SMBC cũng hỗ trợ cho VPBank về nguồn vốn rẻ và tệp khách hàng FDI.

Theo ông Dũng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam để kinh doanh nhưng không phải ngân hàng nào cũng đủ năng lực để phục vụ nhóm khách hàng FDI.

"Chúng tôi tin với sự hỗ trợ SMBC thì VPBank sẽ có thể tham gia vào lĩnh vực đã mong muốn nhiều năm nay nhưng chưa có cơ hội làm được nhiều. Tương lai, khối khách hàng FDI sẽ trở thành một trong những trụ cột phát triển lớn của VPBank", ông Dũng nói.

Chiến lược của VPBank, trước đây là tập trung vào bán lẻ và SME. Nhưng với sự tham gia của SMBC, VPBank đã đặt mục tiêu khác là ngân hàng đa năng, không chỉ là khách hàng bán lẻ, SME mà còn chú trọng khách hàng doanh nghiệp lớn.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank

Ngoài ra, còn có những sự hỗ trợ về đào tạo nhân sự, kinh nghiệm,....

Về ngành bất động sản, Chủ tịch Ngô Trí Dũng cho biết, ở góc độ ngân hàng, cho vay bất động sản rất an toàn, rất đáng quan tâm. VPBank phân biệt rất rõ giữa sản phẩm như nhà chung cư thông thường có nhu cầu thực, nhà ở xã hội,... VPBank chú trọng đối với phân khúc này. Sản phẩm có tính đầu cơ cao, VPBank không tài trợ.

Bổ sung thêm, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh chia sẻ: Tỷ trọng cho vay bất động sản hiện nay nằm ở các nhóm khác nhau. Nhóm thứ nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của VPBank. Nhóm thứ 2, cho vay người mua nhà khoảng 16%. Như vậy, tổng cộng dư nợ cho vay 2 nhóm này khoảng 34-35% tổng dư nợ. Tổng dư nợ cho vay mua nhà của VPBank khoảng 90.000 tỷ đồng.

"VPBank là một trong ba ngân hàng cho vay mua nhà lớn nhất trên thị trường. Cho vay mua nhà vẫn là mảng quan trọng của VPBank trong năm nay. Khi có vấn đề thì dư nợ bất động sản dễ gặp khó khăn, nhưng nợ bất động sản cũng là nợ có khả năng xử lý cao nhất, hiện thu được gần như 100% gốc khi thị trường phục hồi, lãi cũng thu hồi 50 - 70%", Tổng Giám đốc VPBank cho hay.

Ông lưu ý, nhóm bất động sản là ngành tiềm năng, mang lại lợi ích cho ngân hàng nhưng cần kiểm soát chặt, cần được hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý, tập trung phân khúc có nhu cầu mua thực/ở thực.